1. AI CẬP:
Đất nước Ai Cập là một vùng sa mạc rộng mênh mông, nhưng đây là một trong những cái nôi văn hóa cổ nhất của loài người.
Lịch sử Ai Cập thời hoàng kim được chia thành 3 thời kỳ. Từ thời Cựu Vương triều bắt đầu từ năm 3100 tCN với đời vua thứ 1, đến Trung Vương triều, rồi Tân Vương triều kết thúc năm 1085 tCN với đời vua thứ 20. Nền nghệ thuật Ai Cập cổ đại phát triển khá hoàn chỉnh, gồm âm nhạc, vũ đạo, kiến trúc, điêu khắc và hội họa cũng rất xuất sắc.
Trong đời sống của người Ai Cập cổ đại thì hội họa phần lớn được dành cho sự an lạc của người chết. Đó là loại hình chân dung lột tả gương mặt người mới
qua đời bằng sáp nóng trên gỗ ván mỏng để đặt vào quan tài. Thần thái, thậm chí tâm trạng được truyền đạt với bút pháp gân khỏe hơn hẳn loại tranh tường. Do tập trung tại di chỉ vùng Fayum nên loại tranh này được gọi chung là chân dung Fayum.
Chân dung Fayum. Vẽ sáp nóng trên gỗ. Ai Cập cổ đại.
Thời Tân Vương triều, tranh tường phát triển phong phú, nét vẽ linh hoạt, màu sắc tươi tắn hài hòa, mô tả khá đầy đủ các cảnh sinh hoạt của hoàng gia hay chức sắc quyền quý.
Tranh tường ai cập cổ đại
Ngoài ra còn có thể loại tô vẽ lên tượng, thậm chí gắn đá màu hay cẩn gỗ mun vào mắt cho thêm sinh động và cả hình thức phù điêu tô màu cũng khá phổ biến.
Ông thư lại Kai. Đá vôi phủ màu. 2500 tCN
Đây là loại tượng khá phổ biến vì họ được trọng thị. Bức tượng này được tạc vào khoảng thiên niên kỷ thứ 3 tCN, hiện được lưu giữ tại bảo tàng Louvre. Lúc vừa khai quật, công nhân hoảng sợ bỏ chạy vì pho tượng trông sinh động như người thật.
Màu sắc trong hội họa Ai Cập cổ đại chỉ gồm có các màu: Đỏ, vàng, xanh lục, xanh lam, nâu, đen và trắng.
Công thức vẽ người: Hết sức độc đáo, thành một phong cách riêng biệt. Đó là chuẩn thức tả mặt nhân vật trông nghiêng nhưng hai mắt nhìn thẳng, ngực quay về phía người xem, chân nghiêng không nhón gót. Điều kỳ diệu là người xem không hề thấy vướng mắt trước chuẩn thức bất ngờ này mà còn thấy sinh động. Tuy nhiên, đến thời Tân Vương triều thì công thức rất “Ai Cập” này đã bị thay đổi từ đời vua Akhênatôn, người bị coi là pharaôn dị giáo.
2. NGHỆ THUẬT MINOS:
Minos là tên một vị vua huyền thoại của đảo Crète, mà lịch sử nghệ thuật Hy Lạp khởi nguồn từ hòn đảo này, còn gọi là Hy Lạp trên biển (thời kỳ đồ đồng: 3000-1500 tCN).
Bản đồ đảo Cret
Hội họa của người Crète vẫn chịu ảnh hưởng phương pháp cách điệu hóa của người Ai Cập, nhưng lấy cảm hứng từ thiên nhiên, nên cách thể hiện cho thấy tính tự nhiên và mềm dẻo không có trong nghệ thuật Ai Cập. Các bức tranh phản ánh sự hiểu biết về đại dương và các loài thủy tộc. Ngoài ra, hình những nghệ sĩ nhào lộn trên lưng bò mộng cũng là một đề tài quen thuộc.
Tranh tường hình vận động viên nhào lộn qua một con bò ở Knossos
Tranh tường trên tường cung điện ở Knossos
3. NGHỆ THUẬT MYCÈNES: (Hy Lạp đất liền -1400 tCN)
Nền văn minh Mycènes kế tục nền văn hóa cổ của đảo Minos, và trở thành nền văn hóa vượt trội hơn hết (còn gọi là nền văn hoá thời kỳ đồ đồng của Hy Lạp đất liền). Suy tàn và sụp đổ khoảng 1100 tCN.
Lịch sử và những truyền thuyết giai đoạn cuối của thời kỳ này là cái nền cho những truyện kể về sau này của thi hào Hy Lạp Homer (850 tCN) như: Iliad và Odyssey.
Hội họa của người Mycenae chịu ảnh hưởng của Minos và Ai Cập. Tranh tường của Mycènes cũng được thực hiện bằng cách tô màu thủy noãn lên hồ khô.
Chủ đề bao gồm những hoạt cảnh hằng ngày và cảnh thiên nhiên, nhưng sang trọng hơn và cùng với nghệ thuật Minos, tạo nên cái nền cho nền nghệ thuật Hy Lạp xuất hiện sau này.